Aug 01, 2017

Những người nông dân trồng Đinh lăng tỉ phú ở Nam Định

Cuối tháng 10/2013, Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã mở ra hướng đi mới cho cây dược liệu. Ở Nam Định, cây dược liệu, đặc biệt là cây đinh lăng đang được hướng đến quy hoạch vùng. Loại cây dược liệu quý này không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo cho người nông dân mà còn góp phần làm giàu cho họ. Chúng tôi đã có dịp tìm hiểu mô hình làm giàu từ cây dược liệu này của người nông dân trong chuyến công tác về Nam Định.

Ông Phạm Quốc Hoàn, người nông dân được mệnh danh là tỉ phú với vườn đinh lăng hơn 4 mẫu cho biết, ông trồng cây đinh lăng từ năm 1994 và loại cây dược liệu này quả thật đã không phụ lòng người tâm huyết với nó. Nhà có 4 cậu con trai, hai đứa đã đi du học và thành danh tại Nhật Bản, cậu con thứ ba mới tốt nghiệp Đại học Xây dựng đang có nguyện vọng ở lại cùng với bố mẹ mở rộng cơ ngơi và diện tích trồng đinh lăng. Đứng giới thiệu với chúng tôi về vườn đinh lăng của mình, ông chia sẻ: “Đã có thương lái về trả tôi 1 tỷ cho cái vườn đinh lăng 3 tuổi này. Nhưng tôi không bán. Tôi cứ để đó, để càng lâu càng có giá, hơn nữa, tôi còn tận dụng lấy giống trồng gối vụ”. Ngoài trồng đinh lăng, ông còn đào ao thả cá, nuôi trang trại lợn để lấy phân hữu cơ bón cho cây và trồng xen dưa hấu, dưa lê, dưa bở với đinh lăng. Mỗi năm, doanh thu từ các sản phẩm ngoài đinh lăng cũng đưa về cho ông hàng trăm triệu đồng.

Người nông dân này cho biết, cây đinh lăng không đơn thuần là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho người nông dân trong xã. Nhưng không phải ai cũng theo đuổi được, vì trồng đinh lăng cần nhất là cái tâm huyết và sự kiên trì của người trồng. Theo cây đinh lăng cũng không thể vội, ít nhất 3 năm sau ngày trồng mới được thu hoạch, đầu tư ban đầu cho cây cũng là một bài toán khó với những người nông dân không có vốn. Hơn nữa, nguồn cung giống cây đinh lăng hiện đang rất khan hiếm.

Box: "Tôi trồng Đinh lăng từ năm 1998, trước đây trồng theo kinh nghiệm dân gian, năng suất chất lượng chưa cao. Từ ngày được Traphaco và Tổ chức Biotrade tập huấn, trồng trọt theo tiêu chuẩn GACP, tính ra bây giờ thu nhập trên mỗi mẫu cũng vào khoảng 250 triệu."

Rời Giao An, chúng tôi về vùng Nghĩa Hưng, mảnh đất được xem là “đại bản doanh” của cây dược liệu quý đinh lăng. Vùng đất Nghĩa Hưng được bồi đắp bởi phù sa của hai dòng Ninh Cơ và sông Đáy, đất đai màu mỡ, thật là nơi lý tưởng cho cây đinh lăng phát triển. Nghĩa Hưng là một trong hai huyện của tỉnh Nam Định được chọn thực hiện dự án “Phát triển các hoạt động thương mại sinh học trong lĩnh vực hợp chất tự nhiên tại Việt Nam” (BioTrade) ở nội dung: Phát triển dược liệu đinh lăng theo Hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).

Cũng giống như ông Hoàn, nhiều người nông dân ở đây đã trở thành tỷ phú nhờ cây đinh lăng. Với giá thu mua toàn bộ rễ, gốc, thân lá tại thị trường huyện hiện nay từ 20- 25.000 đồng/kg, nếu trồng 1 sào, 3 năm sau cho thu nhập 30- 45 triệu đồng/sào; chi phí giống 1,5- 2 triệu và phân bón từ 400- 600 ngàn đồng/sào; người nông dân trung bình lãi ròng 19- 21 triệu đồng/sào/1 năm (tương đương 520- 580 triệu đồng/ha/1 năm). Ông Vũ Văn An, một trong những hộ trồng Đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại xã Nghĩa Lạc cũng được xem là điển hình của người nông dân thành công cùng với cây dược liệu. Ông chia sẻ với chúng tôi rất chân thành:” Tôi trồng Đinh lăng từ năm 1998, trước đây trồng theo kinh nghiệm dân gian, năng suất chất lượng chưa cao. Từ ngày được Traphaco và Tổ chức Biotrade tập huấn, trồng trọt theo tiêu chuẩn GACP, tính ra bây giờ thu nhập trên mỗi mẫu cũng vào khoảng 250 triệu. Đấy, căn nhà ba tầng mới xây là từ đinh lăng mà ra cả đấy”. Vừa nói chuyện, ông vừa cho chúng tôi xem sổ ghi chép quy trình trồng đinh lăng theo GACP-WHO: “từ ngày có Traphaco về, chúng tôi có được nhiều cái lợi. Cái lợi thứ nhất mà lớn nhất là chúng tôi không phải lo đầu vào đầu ra của cây Đinh lăng, cứ yên tâm mà chăm sóc cây phát triển theo quy trình được hướng dẫn vì công ty đã cam kết với người nông dân thu mua cao hơn 10% so với giá thị trường. Cái lợi nữa là kiến thức trồng trọt của chúng tôi được mở rộng, số lượng cây trồng mới bị chết ít đi, năng suất chất lượng nâng lên, thêm nữa đây là cây dược liệu nên phải trồng an toàn, theo các tiêu chuẩn có lợi cho môi trường”. Được sự hướng dẫn của các cán bộ nghiên cứu Traphaco, ông An còn trồng xen đinh lăng với cây hòe, cũng là một cây dược liệu khác. Cây hòe thuộc họ đậu, tăng dinh dưỡng cải tạo cho đất, lại là cây rễ cọc thuộc tầng dinh dưỡng khác với đinh lăng, do đó trồng xen kẽ với đinh lăng không chỉ phù hợp còn góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Như vườn nhà ông An, sau hai năm trồng hòe xen canh trên một mẫu vườn cũng cho thêm thu nhập khoảng 30 triệu.

Ở địa phương này, sự thành công của những hộ nông dân trồng đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO đã có tác động lớn đến đời sống kinh tế xã hội của người dân. Họ không chỉ trao đổi kinh nghiệm trồng trọt mà còn cùng nhau góp vốn giúp đỡ những hộ nông dân thiếu vốn khác, nhân rộng vùng trồng đinh lăng tại địa phương.

Tuy nhiên, cái khó nhất của họ hiện nay cũng là vấn đề giống. Hiểu được tâm tư nguyện vọng của người nông dân về nguồn giống để nhân rộng diện tích, ngày 23/5/2014, tại xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Hưng, Nam Định, Traphaco đã phối hợp cùng với Công ty TNHH Hiệp Hưng Xanh và Dự án Biotrade thành lập Trung tâm giống đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Đại diện công ty Hiệp Hưng Xanh cho biết, với diện tích gieo trồng trên 2,3 ha, mỗi năm trung tâm sẽ cung cấp khoảng từ 600 nghìn đến 1 triệu cây giống đinh lăng, cung cấp đủ cho 40ha diện tích vùng trồng, đảm bảo 50% diện tích trồng tạo ra sản lượng tiêu thụ của Traphaco.