Tin tức Oct 20, 2020

TRAPHACO: Triển vọng sớm về đích kế hoạch năm

Với việc hoàn thành được 65% kế hoạch doanh thu và 78,5% kế hoạch lợi nhuận đề ra sau 9 tháng, Công ty cổ phần TRAPHACO (TRA) dự báo sẽ sớm về đích kế hoạch kinh doanh năm nay khi quý 4 theo chu kỳ sẽ là cao điểm ghi nhận doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp.

Kết thúc quý 3/2020, Báo cáo tài chính của TRA cho biết công ty đã đạt 460 tỷ đồng doanh thu, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cải thiện thêm 0,7 điểm phần trăm, đạt 54,3% giúp lợi nhuận gộp thu về đạt 249,8 tỷ đồng, tăng trưởng 23,8% so với cùng kỳ.

Mặc dù các chi phí bán hàng, quản lý cũng có xu hướng tăng nhưng mức tăng tốt của lợi nhuận gộp cùng chi phí tài chính, cụ thể là lãi vay giảm hơn 40% vẫn giúp Công ty thu về 64,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 52% so với cùng kỳ 2019, phần lợi nhuận sau thuế giành cho cổ đông công ty mẹ đạt 48,5 tỷ đồng, tăng trưởng 54,4%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm TRA đã đạt 1.309,7 tỷ đồng doanh thu và 178,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, dù chỉ tăng 11,4% về doanh thu nhưng tăng đến 32,5% về lợi nhuận so với cùng kỳ 2019.  So với mục tiêu 2.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng mà đại hội đồng cổ đông đề ra, đến nay công ty đã hoàn thành được 65% kế hoạch doanh thu và 78,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Biên lợi nhuận gộp 9 tháng duy trì ở mức cao, trên 53%-tương đương cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh kết quả kinh doanh tích cực, báo cáo tài chính của TRA cũng cho thấy công ty tiếp tục duy trì được cấu trúc tài chính tốt với dư nợ vay ngắn và dài hạn đến cuối quý 3/2020 ở mức 107,7 tỷ đồng, giảm 36,7 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ vay trên tổng nguồn vốn ở mức thấp với chỉ 6,9%. Chi phí lãi vay chiếm chỉ hơn 5% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh mang lại.

Đáng chú ý, các khoản nợ vay của TRA hiện đều là khoản vay dài hạn để đầu tư nâng cấp cho các dây chuyền tại nhà máy tân dược Hưng Yên và  nhà máy Traphaco Sapa. Công ty hiện đã hoàn toàn chủ động được nguồn vốn lưu động mà không cần phụ thuộc vào nợ vay ngắn hạn nhờ dòng tiền hoạt động kinh doanh thặng dư đều đặn qua các năm, thậm chí cao hơn lợi nhuận sau thuế màng lại.

Chẳng hạn như năm 2019, công ty có dòng tiền kinh doanh là 217 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế là 170,6 tỷ đồng, năm 2018, dòng tiền hoạt động kinh doanh thu về là gần 169 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận thu được. Công ty quản lý công nợ, tồn kho khá tốt với số ngày phải thu và tồn kho bình quân liên tục giảm xuống trong giai đoạn từ 2016 đến nay.

Với dòng tiền tốt và xu hướng này trả nợ dần theo lộ trình hiện nay, tỷ lệ nợ vay cũng như chi phí lãi vay tiếp tục giảm dần trong thời gian tới. Điều này không chỉ giúp TRA giảm rủi ro tài chính do ít phụ thuộc vào vay nợ mà một mặt có thể tiếp tục duy trì khả năng chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ khoảng 30% mệnh giá như những năm qua, là mức tỷ suất cổ tức khá hấp dẫn so với thị giá cho nhà đầu tư. Mặt khác là tiếp tục tái đầu tư những hạng mục cần thiết mà không khiến cấu trúc tài chính gặp rủi ro cũng như chịu nhiều gánh nặng lãi vay.

TRAPHACO là một trong những thương hiệu dược hàng đầu Việt Nam, đặc biệt là trong mảng Đông dược với lợi thế từ chuỗi giá trị sản xuất khép kín từ vùng nguyên liệu, sản xuất đến phân phối. Những sản phẩm như Boganic, Hoạt huyết dưỡng não được người tiêu dung nhận biết cao. Mảng Tân dược với các sản phẩm thuốc nhỏ mắt, nhóm sản phẩm tăng miễn dịch và chăm sóc sức khỏe cá nhân đang được thị trường đón nhận tích cực và duy trì mức tăng trưởng kết quả kinh doanh 2 con số. Công ty cũng là một trong số những doanh nghiệp dược dược trên sàn niêm yết xét về các chỉ số hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản, nguồn vốn cũng như các chỉ số hiệu quả hoạt động.

Trong điều kiện kinh doanh 2020 gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dược nói chung, nhiều doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận, thậm chí báo lỗ, việc TRA duy trì doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng cao được đánh giá là kết quả kinh doanh rất tích cực, phản ánh hiệu quả của quá trình tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian qua.

Với việc đã hoàn thành được 78,5% kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng, TRA được kỳ vọng sẽ sớm về đích và vượt kế hoạch lợi nhuận đã đặt ra trong năm nay khi mà quý 4 theo chu kỳ sẽ là cao điểm ghi nhận doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục duy trì tốt việc kiểm soát dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, giảm thiểu các tác động tiêu cực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Về dài hạn, việc đẩy mạnh phát triển mảng tân dược được kỳ vọng sẽ giúp TRA tiếp tục duy trì triển vọng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận nhất là khi nhà máy Tân dược Hưng Yên hoàn tất quá trình đầu tư, nâng cấp lên chuẩn EU-GMP và có thể tham gia vào các gói thầu nhóm  1 và 2 ở kênh ETC có quy mô doanh thu và biên lợi nhuận tốt hơn.

Tập trung cho sản xuất và bán hàng, thích ứng với sự thay đổi mạnh của thị trường, TRA đã chứng minh chiến lược của mình đang đúng hướng. Kết quả kinh doanh khả quan của TRA trong các quý vừa qua cũng cho thấy rõ định hướng phát triển bền vững tiếp tục là kim chỉ nam trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Đầu tư chứng khoán

Các sản phẩm đông dược của TRA có ưu thế nhờ sự khác biệt về tiêu chuẩn chất lượng WHO-GACP của nguồn dược liệu, bởi vậy sản lượng bán ở cả kênh OTC và kênh ETC đều có sự cải thiện trong 3 quý đầu năm nay.  Bên cạnh đó, TRA còn chịu khó “làm mới” sản phẩm thông qua R&D, sáng tạo-đổi mới công thức thành phần và dạng bào chế, nhằm đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm người tiêu dùng. Chẳng hạn như với sản phẩm chủ lực Boganic, TRA đã có thêm các dòng sản phẩm mới như: Trà thảo dược Boganic dạng đóng chai, Boganic Kid cho trẻ em, Boganic Premium cao cấp, ....

Bên cạnh mảng đông dược giữ vững vị thế đầu ngành, mảng tân dược của TRA đang cho thấy triển vọng tăng trưởng tích cực. Cụ thể, nhu cầu các sản phẩm tăng miễn dịch và chăm sóc sức khỏe cá nhân như Antot Thymo, Natri Clorid và T-B tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp

Hay nhóm thuốc mắt Traphaco công nghệ Kín, gồm Quimoxi, Ofloxacin và Tobramycin tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số từ năm 2019, các sản phẩm mới là Quimodex và Samaca được người tiêu dùng đánh giá khá cao thể hiện qua tốc độ tăng trưởng đạt cao hơn mức trung bình của nhóm ngành. CAGR nhóm thuốc mắt ở Việt Nam được Euromonitor dự báo đạt 9,8%/năm giai đoạn 2019-2024.